Khi đóng kín cửa, không che chắn và để xe ngoài trời trong những ngày này, nhiều bộ phận trên ô tô có thể nóng trên 80 độ C.
Ô tô sẽ trở thành “lò thiêu” khi để ngoài trời nắng, đặc biệt khi xe đóng kính và không được che chắn cẩn thận. Tuy nhiên, nhiệt độ thực sự bên trong xe là bao nhiêu và nó nguy hiểm đến mức nào?
Chúng tôi đã tiến hành thử nghiệm, trong đó nhiệt độ trên các ứng dụng dự báo thời tiết ghi nhận là 38 độ C. Thực tế, nhiệt kế báo nhiệt độ ngoài trời khi đo là 44 độ C và nhiệt độ mặt đường lên đến 62 độ C.
Để chiếc Hyundai i30 ngoài trời sau 30 phút và đóng kín cửa, không khí trong xe nhanh chóng được “thiêu đốt” bởi ánh sáng mặt trời. Ngưỡng nhiệt môi trường trong xe tăng lên 52 độ C, đồng thời độ ẩm giảm chỉ còn 22%.
Xem thêm:
- Dán Phim Cách Nhiệt XPEL Chính Hãng Cho Ô Tô
- Đánh giá phim cách nhiệt 3M Crystalline – Giảm lóa, không bị ăn mòn, cách nhiệt tốt!
Đáng chú ý, phần tapi cửa lên gần 62 độ C, ghế lái đạt 60 độ C, vô lăng gần 70 độ C và phần taplo lên trên 80 độ C. Thiết bị dùng để đo đạc là camera nhiệt Flir One Pro có giá 12 triệu đồng, độ chính xác ±3 độ C.
Những con số trên còn phụ thuộc vào điều kiện kiểm nghiệm, mẫu xe sử dụng và những yếu tố khách quan khác. Tuy nhiên, nó phần nào cho thấy nhiệt độ trong ô tô “khủng khiếp” thế nào khi để ngoài trời trong những ngày này.
“Đỗ xe ngoài trời nắng rồi một lúc sau quay lại, chúng ta thậm chí còn không thể ngồi nổi bên trong, chạm vào vô lăng sẽ thấy nóng rát“, Lê Mạnh Linh, một YouTuber chuyên đánh giá ô tô, chia sẻ.
Một khảo sát được đăng tải trên tạp chí Temperature cho thấy, tại Mỹ trung bình mỗi năm có 37 trẻ em tử vong do bị để quên trên xe. Rõ ràng, với mức nhiệt cao như này rất có hại cho người ngồi bên trong.
Theo các kỹ thuật viên, ô tô được thiết kế để sử dụng trong điều kiện phức tạp nhưng nhiệt độ sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới độ bền xe, sức khỏe người điều khiển. Nếu không thể đỗ ô tô ở nơi râm mát, bạn có thể tham khảo 5 mẹo hạ nhiệt cho ô tô sau khi đỗ dưới trời nắng.
Theo Dân Trí