Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN-Bộ GTVT) vừa có văn bản yêu cầu Sở GTVT các địa phương đôn đốc thực hiện Nghị quyết số 66/2021 của Chính phủ về lắp camera giám sát theo Nghị định số 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải.
Đảm bảo tiến độ
Nghị quyết số 66/2021 của Chính phủ nêu rõ: “Để tháo gỡ khó khăn trong thực hiện quy định lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chính phủ quyết định tạm ngừng áp dụng quy định xử phạt vi phạm hành chính với xe khách, xe tải chưa lắp camera đến hết ngày 31/12/2021”.
Thực tế, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhất là sau đợt dịch lần thứ 4 đến hoạt động kinh doanh vận tải, khiến số xe ngừng hoạt động của các doanh nghiệp phải “đắp chiếu”, kéo theo doanh thu theo báo cáo của các Sở GTVT sụt giảm đến 80%. Vì vậy, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ cho phép các địa phương lùi thời hạn xử phạt xe vận tải chưa lắp camera giám sát từ 1/7/2021 lùi đến hết 31/12/2021. Song, từ ngày 1/1/2022 sẽ xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định này.
Nghị định 10 quy định: Trước ngày 1/7/2021, ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên và xe vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép.
Để đảm bảo tiến độ, TCĐBVN yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải tại địa phương khẩn trương thực hiện lắp camera giám sát trên phương tiện kinh doanh vận tải theo quy định tại Nghị định số 10/2020 và các đơn vị kinh doanh vận tải phải xây dựng kế hoạch lắp đặt cụ thể, cam kết hoàn thành trước ngày 31/12/2021 theo đúng tinh thần tại Nghị quyết 66 của Chính phủ.
Theo chỉ đạo của TCĐBVN, giám đốc các Sở GTVT sẽ chịu trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị kinh doanh vận tải; đồng thời, các Sở GTVT báo cáo định kỳ tới UBND tỉnh, thành phố và TCĐBVN về kết quả thực hiện lắp camera theo quy định của Nghị định 10/2020.
Ngoài ra, TCĐBVN cũng đề nghị Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tuyên truyền, hướng dẫn Hiệp hội Vận tải ô tô các địa phương và các đơn vị kinh doanh vận tải khẩn trương thực hiện việc lắp đặt camera trên xe theo quy định.
Công cụ phòng dịch
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, việc lắp camera có tác dụng lớn trong việc giám sát hoạt động của lái xe và doanh nghiệp vận tải, nhất là trong điều kiện dịch bệnh bùng phát, giúp truy vết, phát hiện ngay những hành khách không đeo khẩu trang để phòng chống dịch hiệu quả. Bên cạnh đó, dữ liệu hình ảnh truyền về cũng kiểm soát được hành trình xe, tình trạng nhà xe nhồi nhét khách trên đường, đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự, cũng như các trạng thái của lái xe như: Nghe điện thoại, mất tập trung, các hành vi mất an toàn.
Đặc biệt, trong điều kiện dịch COVID-19 bùng phát như hiện nay, camera giám sát là giải pháp hữu hiệu để phòng chống dịch từ xa, nhắc nhở lái xe, hành khách tuân thủ nghiêm các quy định 5K của Bộ Y tế, góp sức cùng cộng đồng phòng chống dịch.
Đồng tình với chủ trương này, đại diện nhiều doanh nghiệp vận tải cho rằng, sau khi lắp camera giám sát, việc phát hiện, truy vết hành khách bị mắc hoặc nghi mắc COVID-19 nhanh chóng, hiệu quả hơn gấp nhiều lần so với việc giám sát bằng mắt thường.
Đơn cử, trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 3, Bắc Giang là điểm nóng nhất về dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp có xe chở công nhân cũng đã lắp đặt camera giám sát trong xe và phát huy hiệu quả rõ rệt. Hiện nay, Bắc Giang đã cho phép một số lượng xe chở công nhân hoạt động trở lại, nhờ hệ thống camera giám sát đã được lắp đặt, nên công tác phòng dịch đảm bảo an toàn, siết chặt.
“Nhiều doanh nghiệp không có tiền đầu tư thiết bị vì doanh thu giảm sút do ảnh hưởng dịch COVID-19. Các doanh nghiệp sẽ vẫn phải lắp camera theo đúng lộ trình của Chính phủ quy định. Việc lùi thời gian xử phạt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thời gian qua để giảm áp lực cho doanh nghiệp. TCĐBVN đã ban hành quy định về định dạng truyền dữ liệu, đưa ra những quy định tối thiểu về hình ảnh mà doanh nghiệp phải đáp ứng. Căn cứ vào quy định định dạng này, doanh nghiệp có thể lựa chọn loại camera giám sát phù hợp để có thể truyền được dữ liệu hình ảnh”, Phó Tổng cục trưởng TCĐBVN Phan Thị Thu Hiền cho hay.
“Chi phí lắp đặt camera giám sát hiện nay trung bình khoảng 10 triệu đồng/xe, với doanh nghiệp có 100 đầu xe, chi phí đầu tư có thể đến hàng tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải mất chi phí từ 100.000-200.000 đồng/xe/tháng trả phí 4G để duy trì hoạt động đường truyền. Với khoảng 200.000 xe phải lắp đặt camera giám sát trên toàn quốc, thì chi phí khoảng 8.000 – 9.000 tỷ đồng là số tiền khá lớn trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay”, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam chia sẻ.
Nguồn: Báo Tin tức